MỘT SỐ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG

– Thu phí công chứng, thù lao công chứng, chi phí khác.

– Cung cấp dịch vụ công chứng ngoài giờ chính để đáp ứng nhu cầu công chứng của nhân dân.

– Được khai thác, sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu công chứng.

– Quản lý công chứng viên trong việc tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

– Thực hiện chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước.

– Niêm yết lịch làm việc, thủ tục công chứng, nội quy tiếp người yêu cầu công chứng, phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác tại trụ sở.

– Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên.

– Chia sẻ thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin khác về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch do công chứng viên của tổ chức mình thực hiện công chứng để đưa vào cơ sở dữ liệu công chứng.

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CƠ BẢN VỀ CÔNG CHỨNG (LUẬT CÔNG CHỨNG 2014)

CÔNG CHỨNG:

Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

CÔNG CHỨNG VIÊN:

Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng

VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG:

Văn phòng công chứng có hai công chứng viên hợp danh trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.

Văn phòng công chứng có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ kinh phí đóng góp của công chứng viên, phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác.

NGUYÊN TẮC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG:

– Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

– Khách quan, trung thực.

– Tuân theo quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

– Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng.

GIÁ TRỊ CỦA VĂN BẢN CÔNG CHỨNG:

– Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

– Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật.

– Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố là vô hiệu.

– Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.

CÁC HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM:

– Giả mạo người yêu cầu công chứng;

– Người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng;

– Người làm chứng, người phiên dịch có hành vi gian dối, không trung thực;

– Cản trở hoạt động công chứng

MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

Ngày 20/11/2014, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật Căn cước công dân và luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Theo quy định thì người từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ Căn cước công dân, số thẻ Căn cước công dân chính là số định danh cá nhân (số định danh cá nhân do Bộ Công an cấp cho công dân đảm bảo nguyên tắc mỗi công dân có một số định danh và không trùng lặp với người khác).

Công dân phải đổi thẻ Căn cước công dân vào các năm đủ 25, 40 và 60 tuổi. Nếu công dân được cấp/ đổi/ cấp lại thẻ Căn cước công dân trong thời hạn 02 năm trước tuổi quy định như vừa nêu thì được sử dụng thẻ Căn cước công dân đến độ tuổi tiếp theo (ví dụ một người được cấp lại thẻ năm 39 tuổi thì tới năm người đó đủ 60 tuổi mới phải cấp đổi thẻ).

Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân và dùng để thực hiện các giao dịch trên toàn quốc. Thẻ Căn cước công dân có thể dùng thay cho hộ chiếu nếu nước mà công dân Việt Nam định nhập cảnh và Việt Nam có ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân hai nước được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho hộ chiếu.