Sao y chứng thực có thời hạn bao nhiêu lâu?
Chứng thực là một loại thủ tục cần thiết mà trong đời sống xã hội hầu như ai cũng đã từng làm. Thế nhưng hiểu sao cho đúng về chứng thực, sao y chứng thực cũng như thời hạn của sao y chứng thực thì không phải ai cũng biết. Bài viết dưới đây của Văn phòng công chứng Đào và Đồng nghiệp sẽ giải đáp cho bạn những vấn đề ấy, đặc biệt là việc sao y chứng thực có thời hạn bao lâu.
Chứng thực là gì?
Chứng thực được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền xác nhận sự chính xác của văn bản hay hồ sơ nào đó; hoặc xem xét đến tính hợp pháp của giấy tờ, văn bản, chữ ký… của cá nhân, tổ chức để bảo vệ cho lợi ích của cá nhân, tổ chức đó trong những quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế.
Tuy nhiên vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định một cách rõ ràng, bao quát về khái niệm chứng thực mà chỉ có khái niệm “chứng thực bản sao từ bản chính”, “chứng thực chữ ký” hay “chứng thực hợp đồng”.
Theo Khoản 2, Điều 2 của Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì chứng thực là việc mà cơ quan hay tổ chức có thẩm quyền sẽ căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng so với bản chính. Nhiều người thường nhầm lẫn chứng thực với công chứng thế nhưng về bản chất thì công chứng có tính pháp lý cao hơn, là loại giấy tờ đảm bảo cho nội dung của một giao dịch, hợp đồng có hợp pháp hay không và công chứng viên sẽ chịu trách nhiệm cho việc đó, giảm thiểu những rủi ro về sau.
Còn chứng thực chỉ chứng nhận sự việc, nói đơn giản thì chứng thực chủ yếu chú trọng đến hình thức giấy tờ, hợp đồng, giao dịch… mà không đề cập đến nội dung đúng hay không. Cũng theo quy định trong Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì:
• Khái niệm “Cấp bản sao từ sổ gốc” được hiểu là cơ quan hay tổ chức đang quản lý sổ gốc sẽ căn cứ vào sổ gốc để thực hiện việc cấp bản sao. Bản sao được cấp từ sổ gốc có nội dung chính xác, đầy đủ chiếu theo nội dung trong sổ gốc.
• Khái niệm “Chứng thực bản sao từ bản chính” được hiểu là cơ quan hay tổ chức có thẩm quyền theo quy định trong Nghị định này sẽ căn cứ vào bản chính để mà chứng thực bản sao đúng so với bản chính.
• Khái niệm “Chứng thực chữ ký” là việc mà cơ quan hay tổ chức có thẩm quyền theo quy định trong Nghị định này sẽ chứng thực chữ ký trong văn bản, giấy tờ chính là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.
• Khái niệm “Chứng thực hợp đồng, giao dịch” là việc mà cơ quan hay tổ chức có thẩm quyền theo quy định trong Nghị định này sẽ chứng thực thời gian, địa điểm ký kết hợp đồng, giao dịch; ý chí các bên có tự nguyện hay không cũng như năng lực hành vi dân sự, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ đúng là của các bên tham giao dịch, hợp đồng. Theo đó, về giá trị pháp lý thì chứng thức:
• Bản sao đã được chứng thực từ bản chính sẽ có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã được dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ khi có Luật định có quy định khác.
• Chữ ký đã được chứng thực sẽ có giá trị chứng minh là người yêu cầu chứng thực chính là người đã ký chữ ký đó, từ đấy căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký đối với nội dung trong giấy tờ, văn bản.
• Hợp đồng hay giao dịch đã được chứng thực sẽ có giá trị chứng cứ để chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; cũng như xác nhận năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên đã tham gia vào hợp đồng, giao dịch. Theo khái niệm, quy định trên thì “bản sao y” có thể hiểu đó là bản sao với đầy đủ nội dung, thể thức của bản gốc và đã được công chứng, chứng thực bởi những cơ quan có thẩm quyền. Bản sao y phải được sao lại từ bản chính hoặc bản gốc.
Sao y chứng thực có giá trị sử dụng bao lâu?
Vậy thì sao y chứng thực có thời hạn bao lâu cũng là câu hỏi mà nhiều người băn khoăn.
Nghị định nói trên hay Luật công chứng được ban hành năm 2014 và các quy định trước đó về công chứng, chứng thực đều không quy định cụ thêr về thời hạn có hiệu lực của bản sao đã công chứng hay chứng thực.
Vì vậy nếu xét về nguyên tắc thì bản sao đã được chứng thực sẽ có giá trị vô thời hạn.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều cơ quan, tổ chức vẫn yêu cầu bản sao đã được chứng thực cần có thời hạn tùy theo quy định nơi mà bạn nộp giấy tờ.
Chủ yếu là do những giấy tờ gốc có tính hữu hạn, biến động nên bản sao cũng cần phải được cập nhật để xác thực thông tin. Ví dụ bảng điểm, bằng cử nhân hay giấy phép lái xe có hiệu lực vô thời hạn trừ khi bản chính bị thu hồi lại hoặc hủy bỏ.
Còn giấy tờ như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, phiếu lý lịch tư pháp, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân… là những giấy tờ có thời hạn thì bản sao cũng chỉ có giá trị sử dụng trong khi bản gốc còn hiệu lực.
Ngoài ra, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sổ hộ khẩu hoặc giấy phép đầu tư có tính biến động nên người thụ lý có quyền yêu cầu đương sự trình bản chính/bản gốc để đối chiếu lại chứ không có quyền yêu cầu đương sự nộp bản sao mới.Trên đây là một số thắc mắc thông thường về chứng thực cũng như sao y chứng thực có thời hạn bao lâu.
Để hiểu rõ hơn về trường hợp giấy tờ cụ thể mà bạn gặp phải, bạn có thể gọi đến số hotline 0945.490.123 / 0913.347.747 của Văn phòng công chứng Đào và Đồng nghiệp để được tư vấn chi tiết, rõ ràng hơn nhé.