Những điều cần biết khi công chứng di chúc

Di chúc không phải là loại văn bản bắt buộc phải công chứng. Thế nhưng để di chúc có giá trị hợp pháp cũng như người thừa kế sau này tránh được những rắc rối hoặc tranh chấp khi thụ hưởng thì di chúc nên được công chứng. Vậy thì có những quy định về công chứng di chúc nào bạn cần phải lưu ý? Bài viết dưới đây của Văn phòng công chứng Đào và Đồng nghiệp sẽ cung cấp những thông tin cần thiết cho bạn.

Trường hợp nào bắt buộc phải công chứng di chúc?

Công chứng là loại thủ tục để xác thực rằng nội dung văn bản di chúc là hợp pháp, đúng quy định của pháp luật. Công chứng di chúc cũng là một cơ sở để chứng minh di chúc có giá trị pháp lý, người thừa kế hoặc những người thừa kế tránh được việc tranh chấp, kiện tụng khi đến thời điểm thừa kế. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng bắt buộc phải thực hiện việc công chứng di chúc. Điều 635 Luật Dân sự 2015 cũng nêu rằng người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực văn bản di chúc. Như vậy người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc không, trừ các quy định khác mà pháp luật đã quy định.

Theo như Khoản 1 và Khoản 4 của Điều 630 nằm trong Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì Di chúc hợp pháp phải là di chúc của người đủ minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị cưỡng ép, lừa dối hay đe dọa phải lập di chúc. Nội dung của di chúc cũng không được vi phạm các điều cấm trong luật, không trái với đạo đức xã hội cũng như hình thức di chúc không trái với quy định pháp luật. Khi không có công chứng hay chứng thực thì di chúc bằng văn bản chỉ được coi là hợp pháp nếu có đủ các điều kiện trên. Vậy thì trường hợp này không nhất thiết phải công chứng.

Cũng theo Điều 630, trong khoản 3 có quy định: người bị hạn chế về thể chất hoặc không biết chữ thì di chúc của người đó phải được người làm chứng lập thành văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực. Vậy, trường hợp này cần công chứng (hoặc chứng thực, nhưng công chứng thì có tính pháp lý cao hơn).

Ngoài ra, trường hợp người muốn để lại di chúc nhưng tính mạng bị cái chết đe dọa, phải dùng cách di chúc miệng thì di chúc miệng phải được lập ra trước mặt ít nhất 02 người làm chứng. Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì người làm chứng phải ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền cần xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng trong di chúc.

Khi lập di chúc cần chú ý gì?

Di chúc bằng văn bản được quy định trong Điều 628 là di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có công chứng; có chứng thực.

Theo các quy định về công chứng di chúc thì người làm chứng phải trừ những người sau đây:

1.Người thừa kế theo di chúc hoặc xét theo pháp luật của người lập di chúc.

2.Người có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung đã nêu trong di chúc.

3.Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người gặp khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.

4.Nếu không có người làm chứng thì người lập ra di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc. Ngoài ra, văn bản di chúc phải tuân theo nội dung như sau:

– Có đầy đủ ngày, tháng, năm lập di chúc;
– Có họ, tên và nơi cư trú của người lập ra di chúc;
– Có họ, tên người hoặc cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
– Các loại di sản để lại và nơi có di sản;

Ngoài ra di chúc còn có thể có các nội dung khác nhưng không vi phạm luật và quy định pháp luật.

Di chúc không được viết bằng các ký hiệu hoặc viết tắt. Nếu di chúc có nhiều trang thì mỗi trang phải ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người đã lập di chúc.

Nếu di chúc có sự sửa chữa, tẩy xóa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng sẽ phải ký tên bên cạnh chỗ đã tẩy xóa, sửa chữa.

Thủ tục công chứng di chúc cần giấy tờ gì?

Khi thực hiện công chứng di chúc thì người lập di chúc không được ủy quyền cho người khác mà phải tự yêu cầu công chứng với các tổ chức hành nghề công chứng. Nếu người lập di chúc đã già yếu, không thể đi lại hoặc là người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác thì có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ ở của mình để lập di chúc (Theo Điều 639 Luật Dân sự 2015 và Điều 44 Luật Công chứng 2014).

Sau khi xác định được tổ chức nào sẽ thực hiện công chứng cho mình thì người lập di chúc nộp hồ sơ cho công chứng viên để xét duyệt và công chứng. Hồ sơ bao gồm:

– Phiếu yêu cầu công chứng (có mẫu được cung cấp tại Văn phòng công chứng);
– Dự thảo di chúc nếu có;
– Bản sao của giấy tờ tùy thân (căn cước công dân, chứng minh nhân dân) có dấu đỏ địa phương;
– Bản sao giấy tờ xác nhận quyền sở hữu di sản hợp pháp có liên quan đến nội dung văn bản di chúc.

Khi công chứng thì người yêu cầu công chứng phải đưa bản gốc của những giấy tờ bản sao trên cho công chứng viên đối chiếu.

Trên đây là một số quy định về công chứng di chúc cơ bản mà bạn cần biết. Để được giải đáp chi tiết hơn các trường hợp cụ thể, hoặc liên hệ để công chứng, mời bạn gọi tới số điện thoại 0945.490.123 / 0913.347.747 hoặc đến địa chỉ số 369, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội của Văn phòng công chứng Đào và Đồng nghiệp.