Bản di chúc không công chứng có được pháp luật công nhận?
Câu hỏi:
Chào công chứng viên, bố tôi mới mất cách đây 1 năm, trước khi mất ông có viết di chúc nhưng không công chứng trong đó có để lại tài sản là căn nhà đang ở rộng 70m2 và 1 mảnh đất rộng 100m2 ở quê cho tôi là con trai cả, để tôi có nơi thờ tự và một căn nhà chung cư rộng 67m2 ở Nguyễn Trãi cho cậu em trai của tôi. Tuy nhiên cậu em trai của tôi không đồng ý với số tài sản được phân chia trong di chúc, nên muốn nhờ pháp luật can thiệp để phân chia tài sản thừa kế theo quy định của Pháp luật để có sự công bằng.
Vì vậy, tôi muốn hỏi công chứng viên rằng bản di chúc không công chứng liệu có được pháp luật công nhận và làm theo không? Rất mong được công chứng viên giải đáp, tôi xin cảm ơn. (Anh Cường, Hà Nội)
Trả lời:
Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho Văn phòng công chứng Đào và Đồng nghiệp, với câu hỏi của anh chúng tôi xin giải đáp như sau:
Thứ nhất, theo điều 630 bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, bản di chúc hợp pháp cần phải có đủ các điều kiện sau:
– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép, nội dung di chúc không vi phạm các điều cấm của pháp luật. Di chúc không công chứng được coi là hợp pháp khi có đủ các điều kiện này.
– Di chúc do người bị hạn chế về thể chất hoặc người để lại di chúc không biết chữ thì người làm chứng phải lập thành văn bản và có dấu của văn phòng công chứng.
– Di chúc bằng miệng được coi là hợp pháp nếu như người để di chúc thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người, và người làm chứng phải ghi chép lại cùng kí tên hoặc điểm chỉ. Trong vòng 5 ngày kể từ khi bản di chúc miệng được lập thì cần phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người làm chứng trong bản di chúc.
Sau 5 ngày bản di chúc không có xác nhận của cơ quan thẩm quyền thì bản di chúc sẽ không có hiệu lực và số tài sản trong di chúc sẽ được pháp luật phân chia theo quy định của Nhà nước.
Tiếp theo trong điều 633 của bộ Luật dân sự năm 2015 cũng ghi rõ “Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng được coi là hợp pháp nếu người lập di chúc tự viết tay và ký tên vào bản di chúc”
Trường hợp của anh Cường, bản di chúc viết tay của bố anh hoàn toàn hợp pháp nếu như trong bản di chúc có chữ ký của bố anh. Anh có thể mang bản di chúc viết tay của bố ảnh để lại và các giấy tờ, chứng từ trước đây có chữ ký của bố anh ra trước Pháp Luật để giám định và khẳng định tính hợp pháp của bản di chúc không công chứng này. Nếu có người làm chứng cho bản di chúc viết tay của bố anh thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc công nhận tính hợp pháp của di chúc bố anh để lại.
Khi bản di chúc đã có đủ các điều kiện và được Pháp luật công nhận tính hợp pháp thì các tài sản sẽ được phân chia theo đúng di chúc. Nếu bố anh không kí tên vào bản di chúc và cũng không có người làm chứng khi bố anh viết bản di chúc này thì để công nhận tính hợp pháp của di chúc không công chứng là rất khó. Khi đó số tài sản trong bản di chúc sẽ được phân chia theo quy định của Pháp luật.
Hy vọng với giải đáp trên đã giúp anh hiểu hơn về trường hợp của mình, nếu anh vẫn còn những thắc mắc chưa được giải đáp về vấn đề di chúc không công chứng, anh có thể liên hệ đến số 0945.490.123 / 0913.347.747 để được tư vấn và giải đáp miễn phí.